Các nghiên cứu khác Hiệu ứng chân lý ảo tưởng

Trong một nghiên cứu năm 1979, những người tham gia vẫn nhận thấy những mệnh đề lặp lại đúng hơn những mệnh đề không lặp dù đã có cảnh báo từ trước.[6]

Các nghiên cứu vào năm 1981 và 1983 cho thấy rằng những thông tin tổng hợp từ kinh nghiệm gần có xu hướng được coi là "thuận lợi và quen thuộc" hơn các kinh nghiệm mới. Một nghiên cứu năm 2011 của Jason D. Ozubko và Jonathan Fugelsang củng cố kết luận trên, bằng cách chứng minh rằng, nói chung, thông tin lấy từ ký ức "thuận lợi và quen thuộc hơn so với lần đầu biết" và từ đó gây ra ảo tưởng. Hiệu ứng xuất hiện rõ ràng hơn khi lặp lại các mệnh đề hai lần, rồi bốn lần. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng truy xuất bộ nhớ có thể tăng mạnh (thứ gọi là) tính xác thực của các mệnh đề. Họ cũng cho rằng có thể quan sát hiệu ứng của ảo tưởng này mà không cần trực tiếp thăm dò các tuyên bố thực tế được đề cập.[11]

Ian Maynard Begg, Ann Anas và Suzanne Farinacci, trong một nghiên cứu năm 1992, nhận định rằng một mệnh đề sẽ có vẻ đúng hơn nếu thông tin mà nó mang lại quen thuộc với người tiếp nhận.[6]

Một thí nghiệm khác năm 2012 của Danielle C. Polage cho thấy một số đối tượng tiếp xúc với những câu chuyện từ tin giả sẽ tiếp tục có những ký ức sai lệch. Kết quả của thí nghiệm cho thấy việc lặp lại các tuyên bố sai sẽ làm tăng độ tin cậy của chúng và cũng có thể gây ra lỗi.[5][6]

Năm 2014, Eryn J. Newman, Mevagh Sanson, Emily K. Miller, Adele Quigley-McBride, Jeffrey L. Foster, Daniel M. Bernstein và Maryanne Garry đã thực hiện một nghiên cứu yêu cầu những người tham gia đánh giá mức độ xác thực những phát biểu của nhiều người. Một số người trong số này có tên dễ phát âm hơn so với những người khác. Nhìn chung, tuyên bố của những người có tên dễ phát âm hơn cũng được đánh giá cao hơn. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những điều chủ quan, ngoài lề lại có thể có ảnh hưởng lớn lên quá trình đánh giá thông tin có nguồn.[4]